Cây cảnh là vật dụng được sử dụng khá nhiều trong cho nhà ở cũng như văn phòng. Ngoài vai trò trang trí cho căn nhà trở nên sinh động, hấp thụ khí CO2, tạo không khí trong lành cho môi trường xung quanh thì cây cảnh còn có nhiều ý nghĩa phong thủy. Nhiều loại cây phong thủy được nhiều người sử dụng đặt lên bàn làm việc bởi những ý nghĩa của nó. Những loại cây được kể đến như: cây Lan Ý, cây Ngọc Ngân hay cây Phát tài,… Cùng tìm hiểu về ý nghĩa của cây Ngọc Ngân trong bài viết dưới đây.
Cây Ngọc Ngân là loại cây gì?
Ngọc Ngân có tên khoa học Dieffenbachia picta, thuộc họ thực vật Araceae (Ráy). Loại cây này còn có tên gọi khác là cây Valentine – tượng trưng cho tình yêu.
Nhìn vào “ngoại hình” và màu sắc của lá và thân cây bạn có thể dễ dàng nhận dạng loại cây cảnh này. Là cây mềm, hình bầu dục, mọc không đối xứng, có màu xanh đốm trắng vô cùng nổi bật. Trong đó, màu trắng (chiếm gần 80%) và màu xanh của viền và thân lá.
Cây Ngọc Ngân thuộc loại rễ chùm, nên có khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh. Cây thường mọc thành bụi với độ cao khoảng 30 – 50cm, rất thích hợp để trang trí bàn làm việc giám đốc, bàn văn phòng, trang trí không gian nhà hàng, quán cafe hay phòng khách chung cư, biệt thự, nhà ở,….
Là loài thực vật ưa bóng râm, cây ngọc ngân có thể sống trong nhà lâu ngày mà vẫn đảm bảo khả năng quang hợp tốt. Bạn chỉ cần đem cây ra ngoài sáng khoảng hai đến ba tiếng mỗi tuần là đủ. Ngoài ra, buổi tối cây ngọc ngân cũng có thể hấp thụ khí độc và nhả khí Oxy nên đặt cây trong phòng ngủ là một sự lựa chọn không tồi. Đặc biệt những vị trí có thiết bị điện tử như phòng làm việc cũng cần có cây ngọc ngân để hấp thụ bớt phóng xạ không tốt từ máy tính.
Ý nghĩa cây Ngọc Ngân phong thủy văn phòng
Nếu chỉ riêng vẻ ngoài đẹp và quyến rũ thôi chưa đủ để tạo nên sức hút mạnh mẽ cho loại cây để bàn này. Chủ yếu các nhà lãnh đạo lựa chọn cây Ngọc Ngân để trang trí bàn làm việc của mình bởi ý nghĩa phong thủy ẩn sau dáng hình thanh tao, nhẹ nhàng ấy.
Ý nghĩa may mắn và thịnh vượng
Loại cây xanh này còn dễ trồng, có sức sống vô cùng mãnh liệt, phát triển tốt trong môi trường điều hòa và luôn xanh tốt quanh năm. Bởi vậy, trong phong thủy cây Ngọc Ngân biểu trưng cho sự may mắn, tài lộc và thịnh vượng.
Ý nghĩa xua đuổi tà khí
Vẻ đẹp cao quý, sang trọng và đầy thoát tục của cây Ngọc Ngân là một tấm bình phong mỏng manh nhưng vô cùng chắc chắn có thể bảo vệ, xua đuổi tà khí, những điều bất an, không may mắn xung quanh bàn giám đốc hiện đại.
Ý nghĩa biểu tượng cho tình yêu chung thủy
Như ở phần giới thiệu, cây Ngọc Ngân còn có tên gọi cực kỳ lãng mạn là cây Valentine. Đúng như tên gọi ấy, cây Ngọc Ngân là cây cảnh tượng trưng cho tình yêu dịu dàng, trong sáng, một tình yêu có khởi đầu đẹp và kết thúc đầy viên mãn.
Tặng chậu cây Ngọc Ngân cho người mình yêu thương là lời chúc, thể hiện ước nguyện về một tình yêu đẹp, thủy chung son sắc và hy vọng về một happy ending tuyệt vời.
Ý nghĩa mang lại cảm giác bình yên
Đặt chậu cây Ngọc Ngân trên bàn làm việc sẽ giúp các sếp có cảm giác bình yên và thư thái. Bằng vẻ đẹp thanh thoát, tinh tế mà trong lành của mình, loại cây này khiến tâm hồn người ngắm được xoa dịu, thoải mái hơn.
Cây cũng là điểm nhấn tuyệt vời tăng thêm màu xanh thiên nhiên dịu mát cho không gian, xóa tan mọi căng thẳng, mệt mỏi. Loại cây cảnh này có thể làm sạch không khí, hút các chất gây ung thư, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Là cây có khả năng thanh lọc, loại bỏ chất độc hại từ khói thuốc, đồ thiết bị điện tử, giữ ẩm cho không gian.
Những mệnh hợp với cây Ngọc Ngân
Với sự đan xen của hai tông màu trắng và xanhl cây Ngọc Ngân hợp với hầu hết các mệnh, nhưng tốt nhất là khi để trên bàn làm việc giám đốc mệnh Kim. Cây Ngọc Ngân có thể thu hút may mắn; đem lại sự an ổn cho người mệnh Kim. Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm các loại khác trong bài cây để bàn giám đốc mệnh Kim.
Trong ngũ hành tương sinh; Thổ sinh Kim (đất bao bọc và nuôi dưỡng Kim Loại) nên giám đốc mệnh này hợp với các màu nâu, vàng, trắng hoặc ghi. Kim sinh thủy nên các nhà lãnh đạo mệnh Thủy cũng khá hợp với màu trắng. Lá cây Ngọc Ngân có tới gần 80% là máu trắng; vì vậy nó cũng khá hợp với mệnh Thổ và mệnh Thủy.
Hai giám đốc mệnh này, để Ngọc Ngân trên bàn làm việc sẽ mang đến điềm lành; giúp con đường công danh, sự nghiệp thăng tiến, lên như “diều gặp gió”.
Người mệnh Mộc cũng có thể chọn loại cây để bàn này. Nhưng giám đốc mệnh Hỏa thì nên tránh, không đặt cây Ngọc Ngân trên bàn làm việc cũng như văn phòng của mình. Bởi loại cây này không xung khắc nhưng cũng không hợp với mệnh Hỏa; nên tốt nhất bạn hãy chọn các loại cây khác tốt hơn, phù hợp hơn.
Cách trồng cây ngọc ngân
Cây ngọc ngân sinh trưởng khá nhanh và tươi tốt quanh năm nên việc trồng và chăm sóc cây khá đơn giản.
Cách trồng cây ngọc ngân trên đất
Đầu tiên nên tạo môi trường đất phù hợp cho cây phát triển. Trộn đất với phân bón, mùn trấu để đảm bảo dinh dưỡng và độ tơi xốp. Khi cho đất vào trong chậu, nên khoét một lỗ ở giữa và đặt cây vào. Cần chú ý làm sạch và cắt bỏ những phần rễ bị hỏng để cây phát triển tốt. Sau đó vun đất cho kín rễ rồi tưới nước nhẹ nhàng. Khoảng một đến hai ngày tưới phun sương một lần cho cây.
Cách trồng cây ngọc ngân trong nước
Bạn thực hiện tương tự như cách trồng cây trên đất nhưng thay vì chuẩn bị đất ta chỉ cần một chậu đựng nước dinh dưỡng là đủ cho cây phát triển tốt. Nên chú ý cách chăm sóc cây ngọc ngân trong nước bằng cách thay nước thường xuyên mỗi tuần và đặc biệt khi nước đổi màu để đảm bảo cây khỏe mạnh. Cây ngọc ngân ít rụng lá và xanh tốt nên phù hợp để ở nhiều nơi khác nhau. Có thể đặt cây trang trí tại phòng khách, bàn làm việc hay bàn ăn. Cũng có thể đặt cây tại hành lang; vườn hoa hoặc công viên để làm cảnh.
Bí quyết chăm sóc cây Ngọc Ngân
Các dòng cây thuộc họ nhà Araceae (Ráy) thường ưa bóng râm; dễ trồng và dễ chăm sóc. Cây Ngọc Ngân cũng vậy, có thể sinh trưởng tốt trong môi trường máy lạnh và thiếu sáng. Khi trồng cây cảnh này, các vị nên lưu ý:
Ánh sáng: Điều kiện ánh sáng tốt nhất cho cây Ngọc Ngân là ánh sáng nhẹ vào buổi sáng và chiều tối.
Nước: Trong điều kiện khác nhau chúng ta sẽ áp dụng công thức khác nhau. Mùa hè để trong nhà 1 tuần tưới 2 lần, để ngoài trời thì tưới 3 lần/tuần. Mùa đông lạnh hơn, 1 tuần/1 lần; ngoài trời là 1 tuần/2 lần.
Cây Ngọc Ngân có thể trồng thủy sinh trong nước. Cách chăm sóc cây cảnh này cũng vô cùng dễ dàng. Chỉ cần thêm nước, thi thoảng thả ½ viên B1 hoặc 2 – 3 giọt dung dịch thủy sinh. Nếu thấy nước đục, có mùi thì phải cọ bình; thay nước, rễ bị thối thì phải cắt bỏ.
Nhiệt độ: Cây Ngọc Ngân thích hợp trong khoảng 20 – 30 độ C.
Đất trồng: Khả năng sinh trưởng của cây Ngọc Ngân rất tốt; để có nhiều dinh dưỡng, độ thông thoáng cho cây phát triển, tạo mùn,… có thể thêm tro, trấu, xơ dừa,….
Sâu bệnh: Cây ngọc ngân bị vàng lá khi thiếu dinh dưỡng. Bạn nên chú ý quan sát và bổ sung dinh dưỡng kịp thời. Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có thể giúp bạn loại trừ sâu bọ bám trên cây.