Như chúng ta biết trẻ em thường có sức đề kháng yếu, nên mỗi khi thời tiết thay đổi hoặc chuyển mùa thì trẻ dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp. Vì vậy việc cho trẻ ăn uống như thế nào cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc phục hồi sức khỏe của trẻ. Chính vì thế trong giai đoạn trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp các bậc cha mẹ cần chăm sóc trẻ kỹ càng hơn và có một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Khi chúng ta cung cấp cho trẻ đầy đủ dưỡng chất và chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp trẻ nâng cao sức đề kháng và tăng khả năng phục hồi.
Viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, viêm phổi… là những bệnh lý về đường hô hấp thường gặp ở trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Tỷ lệ trẻ mắc và tử vong cao và có thể mắc bệnh nhiều lần trong năm. Do đó, các bậc phụ huynh cần biết cách chăm sóc, theo dõi trẻ khi bị bệnh. Và đặc biệt là bổ sung dinh dưỡng cho trẻ từ khi mắc bệnh cho đến giai đoạn hồi phục để trẻ tránh bị suy dinh dưỡng sau khi mắc bệnh.
Nguyên nhân nhiễm khuẩn đường hô hấp
Phần lớn trẻ bị bệnh hô hấp cấp tính do virus (chiếm tỉ lệ 60%-70%) bởi đa số các virus có ái lực với đường hô hấp và khả năng lây lan dễ dàng, tỉ lệ người lành mang virus cao, khả năng miễn dịch đối với virus yếu và ngắn. Ngoài ra còn nguyên nhân khác do vi khuẩn gây nhiễm khuẩn hô hấp nặng ở trẻ em, nhất là các nước có khí hậu nhiệt đới và các nước đang phát triển có điều kiện kinh tế hạn chế, môi trường sống ô nhiễm, khói bụi.
Nguyên tắc chế độ dinh dưỡng cho trẻ khi nhiễm khuẩn hô hấp
Chế độ ăn cho trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn là chế độ ăn giàu năng lượng, giàu protein, giàu acid béo omega 3, cung cấp đầy đủ các vitamin và khoáng chất theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của trẻ.
Nhu cầu năng lượng: đáp ứng nhu cầu theo tuổi.
Nhu cầu Protein: đáp ứng đủ nhu cầu khuyến nghị theo tuổi: Trẻ từ 0- 1 tuổi: 2-2,5g/kg cân nặng/ngày; Trẻ từ 1-6 tuổi: 1,5-2g/kg cân nặng/ngày; Trẻ > 6 tuổi: 1,5-2g/kg cân nặng/ngày
Lipid: nhu cầu theo tuổi, giàu acid béo omega3.
Glucid: tỷ lệ phù hợp với tổng năng lượng.
Nước: nhu cầu theo tuổi (1000-1500ml/ngày) Lượng dịch mất bất thường do sốt, nôn… Nếu nhiệt độ cơ thể trẻ cứ tăng 1°C thì tăng thêm 12% lượng nước. Nếu trẻ có các bệnh kèm theo: suy tim, suy thận thì nhu cầu nước phụ thuộc vào tình trạng bệnh và do bác sĩ chỉ định; Cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất theo nhu cầu khuyến nghị. Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, 2-3giờ/lần ăn. Tăng đậm độ năng lượng bằng cách sử dụng các enzym trong các hạt nảy mầm (giá đỗ, mầm ngô, mầm lúa…) hoặc các chế phẩm enzyme tiêu hóa để làm hóa lỏng thức ăn và có thể giúp tăng lượng thực phẩm gấp đôi so với bát bột hoặc bát cháo không cho thêm emzym.
Lựa chọn nguồn thực phẩm cho trẻ
Bữa ăn của trẻ phải có đủ các nhóm thực phẩm:
Ưu tiên lựa chọn thực phẩm nguồn protein có giá trị sinh học cao: thịt, cá, trứng, sữa. .. Nên lựa chọn thực phẩm giàu omega 3: Cá (đặc biệt là cá hồi), dầu cá…Tăng cường ăn các loại rau quả có nhiều vitamin C như các loại rau lá, quả chín.
Ví dụ: Mẫu thực đơn cho trẻ từ 10-12 tháng tuổi
6 giờ sáng: Bú mẹ hoặc sữa ngoài 200ml
9 giờ sáng: Bột thịt lợn hoặc gà hoặc bò : 30g thịt; Bột gạo: 20g, Dầu ăn (mỡ): 5-8g; Lá rau xanh: 2 thìa cà phê.
10 giờ sáng: Chuối tiêu 1 quả nhỏ
11 giờ trưa: Bú mẹ hoặc sữa ngoài 200ml
14 giờ: Bột trứng: Bột gạo: 20g, Trứng gà: 1 lòng đỏ, Dầu ăn (mỡ): 5 g,; Lá rau xanh: 2 thìa cà phê; Nước cam: Cam 50 – 100g (cam:1/2 quả 1 thìa cà phê đường kính.
18giờ: Bột tôm: Bột gạo: 30g, Thịt tôm nghiền: 30g; Dầu ăn (mỡ): 5 g; Lá rau xanh: 2 thìa cà phê.
Lưu ý: từ 19 giờ hôm trước đến sáng hôm sau cho trẻ bú mẹ lúc nào trẻ có nhu cầu hoặc ăn thêm 1-2 bữa sữa ngoài.